Quanta Computer Inc. được thành lập năm 1988 tại Đài Loan (Trung Quốc). Với doanh số trên 10 tỷ USD mỗi năm, Quanta là một trong những nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, hãng cũng sản xuất điện thoại di động...
Quanta Computer hiện đang là công ty tích cực mở rộng việc sản xuất bên ngoài Trung Quốc đại lục, với hơn 60% lô hàng bo mạch chủ máy chủ ước tính được cung cấp bởi các dây chuyền sản xuất có trụ sở tại Đài Loan. Công ty cũng đang đẩy mạnh sản xuất tại Thái Lan để đáp ứng các khách hàng dịch vụ đám mây của mình ở Bắc Mỹ, nghiên cứu của Digitimes cho thấy.
Các nhà cung cấp khác cũng đang có kế hoạch thành lập các nhà máy mới ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Trước đó, theo Nikkei, Apple đã yêu cầu nhà cung cấp hàng đầu của mình, Foxconn, bắt đầu sản xuất MacBook tại Việt Nam sớm nhất là vào khoảng tháng 5, các nguồn tin cho Nikkei biết. Apple đã làm việc để mở rộng các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc cho tất cả các dòng sản phẩm chính của mình. Nhưng để sản xuất MacBook, họ đã mất nhiều thời gian hơn do chuỗi cung ứng phức tạp cần thiết để sản xuất máy tính xách tay.
"Sau khi hoàn tất việc sản xuất Macbook, tất cả các sản phẩm chủ lực của Apple về cơ bản sẽ có thêm một cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc... iPhone ở Ấn Độ và MacBook, Apple Watch và iPad ở Việt Nam", một nguồn tin nói với Nikkei Asia. Những gì Apple muốn bây giờ là mỗi sản phẩm sẽ có một cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc.
Công ty đã lên kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất MacBook sang Việt Nam trong gần hai năm và đã thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm, Nikkei Asia đưa tin trước đó. Apple sản xuất từ 20 triệu đến 24 triệu chiếc MacBook mỗi năm.
Một giám đốc điều hành của Inventec, nhà cung cấp chính cho HP và Dell, cho biết: "Nhìn chung, lợi ích của Trung Quốc về sản xuất chi phí thấp đang giảm dần và nhiều khách hàng Mỹ hiện muốn có một số lựa chọn thay thế địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc".
Quá trình đa dạng hóa của Apple tại Việt Nam bắt đầu với AirPods, được đưa vào sản xuất hàng loạt tại Việt Nam vào năm 2020. Công ty cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất iPad và Apple Watch sang Việt Nam trong năm nay, Nikkei Asia đưa tin đầu tiên và vào tháng 10, họ thông báo đã bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ, chỉ vài tuần sau khi phát hành.
Trên thực tế, không chỉ Apple, nhiều ông lớn lĩnh vực điện tử, công nghệ đang ngày càng bị thu hút bởi Việt Nam. Samsung, sau nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên đã đưa vào hoạt động Trung tâm R&D, theo tờ Nikkei Asia, Công ty Synopsys (Mỹ) cuối tháng 8 vừa qua thông báo sẽ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chíp thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Đây là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hoặc phần mềm thiết kế chíp.
Về việc Việt Nam ngày càng trở nên thu hút các ông lớn điện tử, công nghệ, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, trong “làn sóng” các tập đoàn điện tử nói chung đang tái định vị lại chuỗi cung ứng để giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc thì Việt Nam có cơ hội trở thành một trong những cứ điểm sản xuất máy tính của thế giới. Thực tế Việt Nam cũng đã có sự cạnh tranh tốt với các nước, thu hút được nhiều ông lớn vào đặt nhà máy sản xuất. Từ đó việc lan tỏa, thu hút thêm các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ, cung cấp hàng loạt sản phẩm nguyên phụ liệu đi kèm đang dần dần phát triển.
Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nhận định, Việt Nam sau một thời gian với sự đầu tư sản xuất của các hãng lớn đã dần dần hình thành được chuỗi cung ứng phụ trợ đi kèm, tạo ra cơ hội để thu hút thêm đầu tư mới trong lĩnh vực này.
Việt Nam đã dần dần trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng trong ngành công nghệ cao. Trước đây Việt Nam đã là một mắt xích trong hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm từ laptop đến điện thoại di động, hàng điện tử… thì nay với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn càng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong mắt các tập đoàn nước ngoài.
Dù vậy, ông Tân cho rằng việc đón cơ hội dịch chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu sẽ diễn ra với sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn ngoại, tương tự như Foxconn, Pegatron... Bởi để tiếp cận được chuỗi cung ứng trong ngành điện tử, doanh nghiệp cần được chuyển giao công nghệ và đầu tư lớn trong khi Việt Nam vẫn còn rất ít số đơn vị có khả năng đó.
“Hiện nay, dù người dùng mua máy tính với nhiều nhãn hiệu khác nhau thì trên toàn cầu cũng chỉ có vài nhà sản xuất. Chẳng hạn Foxconn của Đài Loan là có thể sản xuất đủ máy tính cho cả thế giới sử dụng, Việt Nam chỉ cần tham gia được vào chuỗi cung ứng này là sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển và giá trị của ngành điện tử sẽ tăng mạnh. Quan trọng nhất là ngoài các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hoạt động logistics thật sự nhanh gọn để mọi hoạt động xuất nhập khẩu từ linh kiện đầu vào đến sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp được thuận tiện hơn”, ông Tân nói.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định, sự mở rộng hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Apple cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao. Nhưng thật sự biến Việt Nam thành một cứ điểm sản xuất công nghệ hay trung tâm khoa học công nghệ phát triển để đưa kinh tế Việt Nam nói chung thoát bẫy thu nhập trung bình thì vẫn còn là một quá trình dài.
Thương hiệu Pháp luật