Ngân hàng ACB cho biết, kết quả rà soát từ Công ty tư vấn độc lập KPMG cho thấy ngân hàng này đã tuân thủ toàn bộ các cấu phần trọng yếu trong bộ khung quản trị thanh khoản và an toàn vốn theo Basel III.
Cùng đó, từ kinh nghiệm thực tiễn, ACB đã xây dựng hoàn chỉnh bộ các quy định có liên quan đến quy trình thực hành ILAAP, chính sách quản lý rủi ro thanh khoản, chiến lược huy động nguồn vốn, chính sách duy trì bộ đệm thanh khoản, quản lý tài sản có tính thanh khoản cao và kế hoạch dự phòng thanh khoản ở cấp độ tiệm cận nâng cao với các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới.
ACB cho biết việc hoàn thành Basel III và ILAAP giúp cải thiện khả năng chống chịu trước những rủi ro hệ thống, xử lý khủng hoảng tài chính cũng như cho phép ACB linh hoạt điều chỉnh và tối ưu hóa phương án tăng vốn khi có nhu cầu và chủ động phương án để ứng phó trong điều kiện liên quan đến rủi ro thanh khoản.
Trước đó, hôm 30/9, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - mã: TPB) cũng công bố đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III và IFRS 9 và bắt đầu triển khai toàn diện cả hai chuẩn mực quốc tế này ngay từ quý IV/2022.
Cách đây 7 năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bắt đầu ban hành nhiều quy định theo định hướng áp dụng Basel II cho hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong đó, theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, các ngân hàng áp dụng và tuân thủ quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn của Basel II.
Dù Thông tư 41 được đưa ra năm 2016 nhưng các ngân hàng Việt mới chỉ bắt đầu đáp ứng được từ cuối năm 2018, đầu năm 2019 với những cái tên đầu tiên đáp ứng được quy định bao gồm Vietcombank và VIB (tháng 11/2018); OCB (tháng 12/2018), ACB, TPBank, MB, VPBank (tháng 4/2019),… Sau 3 năm, đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng đáp ứng được quy định này.
Bên cạnh Basel II, nhiều ngân hàng hiện đã và đang hướng tới áp dụng Basel III nhằm bổ sung, khắc phục những hạn chế của Basel II, chủ yếu là về quản trị thanh khoản, giúp ngân hàng chống chịu trước các rủi ro và ngăn ngừa tổn thất hệ thống.
Theo DNVN