Theo Bộ Tài chính, doanh thu phí bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam được chia vào 5 quỹ đầu tư gồm: Quỹ Tăng trưởng, Quỹ Tối ưu; Quỹ Đẳng cấp; Quỹ Cân bằng và Quỹ Bền vững.
Trong đó, số tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Quỹ Cân bằng là 13,4 tỷ đồng, Quỹ Bền vững ở mức 55,1 tỷ đồng. Thu nhập từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 của Quỹ Cân bằng đạt 1,9 tỷ đồng, Quỹ Bền vững 6,1 tỷ đồng.
Các loại trái phiếu mà Sun Life lựa chọn đầu tư tại các quỹ chủ yếu là trái phiếu Taseco, Trung Sơn Power, TNPower, Casper và Phát Đạt. Tỷ trọng tập chung chủ yếu tại Quỹ Bền vững với gần 70%.
Trong khi đó, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Sun Life Việt Nam ghi nhận khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hơn 1.650 tỷ đồng, trong đó 1.395 tỷ đồng đầu tư dài hạn. Khối lượng trái phiếu Sun Life Việt Nam nắm giữ là hơn 2,2 triệu đơn vị, có thời gian đáo hạn từ 1 - 20 năm với lãi suất thấp nhất là 6,5%/năm và cao nhất là 13%/năm.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2022, Sun Life Việt Nam đạt doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở mức 5.173 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2021. Dù doanh thu hoạt động bảo hiểm tăng nhưng Sun Life vẫn phải gánh khoản lỗ trước thuế 1.232 tỷ đồng.
Sun Life Việt Nam được thành lập năm 2013 với hoạt động chính kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, quản lý quỹ, đầu tư vốn. Sau khi hoạt động tại Việt Nam, Sun Life Việt Nam đã lỗ liên tiếp trong 9 năm và khoản lỗ luỹ kế gần 4.575 tỷ đồng.
Bảo hiểm Sun Life “đổ” hơn 1.600 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp. |
Tại kết luận thanh tra vừa công bố, Bộ Tài chính nêu rõ, việc Sun Life hạch toán hơn 600 tỷ đồng chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế. Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế TP.HCM đôn đốc, rà soát việc Sun Life kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại kết luận thanh tra.
Như Kinhtechungkhoan.vn đã đưa tin, trong 10 năm kinh doanh tại Việt Nam, Sun Life chỉ báo lãi gần 37 tỷ đồng vào năm 2013 và năm 2019 là 22 triệu đồng. Các năm sau đó, công ty này liên tục báo lỗ, thậm chí là doanh thu càng tăng thì lỗ càng nhiều.
Việc Sun Life Việt Nam liên tục lỗ diễn ra trong bối cảnh, đây là công ty bảo hiểm lớn thứ ba tại Việt Nam về vốn chủ sở hữu, chỉ sau FWD và Cathay Life. Trong năm 2019 và 2020, Sun Life Việt Nam ký hợp tác độc quyền bancassurance với hai ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Cụ thể, hồi tháng 11/2019, Sun Life Việt Nam và TPBank đã tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, Sun Life Việt Nam sẽ là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank trong 15 năm, bắt đầu từ đầu năm 2020.
Đúng một năm sau đó, Sun Life Việt Nam có thêm đối tác mới là ACB. Ngày 18/11/2020, Sun Life Việt Nam và ACB đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm trong 15 năm. Đây là hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm đầu tiên của ACB.
Sun Life Việt Nam là 1 trong 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vừa bị Bộ Tài chính công bố sai phạm. Sắp tới Bộ sẽ thanh, kiểm tra thêm 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 4 đơn vị phi nhân thọ, tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Thị trường bảo hiểm, nhất là kênh bán qua ngân hàng, vừa qua tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái như ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa bảo hiểm với gửi tiết kiệm.
Theo kết luận thanh tra bán bảo hiểm qua ngân hàng với Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, các doanh nghiệp này mắc sai phạm chủ yếu là qua kênh bancassurance, nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.
Một số vi phạm điển hình như nhân viên không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục, hồ sơ yêu cầu theo quy định. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không đảm bảo chất lượng tư vấn, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra tình trạng nhân viên công ty bảo hiểm cho đại lý hoặc nhân viên ngân hàng sử dụng mã số đại lý để hướng dẫn khách nhập thông tin. Doanh nghiệp không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.