Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017. Ngoài Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại và chỉ rõ sai phạm tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank).
Loạt vi phạm về cấp tín dụng cho công ty họ “TH”
Cụ thể, theo báo cáo của BacABank, tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,62%, tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý là 2,1%. Đến 30/8/2018, nợ xấu là 452 tỷ đồng, tính cả nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý là 1,54%, tương ứng 1.043 tỷ đồng.
Kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng của 11 khách hàng với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 6.626 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ của ngân hàng, trong đó 1 khách hàng đã bán nợ cho VAMC (Cty Hùng Vương Huế), 1 khách hàng giữ nguyên cơ cấu nhóm nợ 1 (Cty CP Sông Lam Nghệ An) và 9 khách hàng nợ nhóm 1, kết quả ghi nhận hàng loạt vi phạm, thiếu sót gồm:
Đối với việc thẩm định điều kiện cho vay vốn: Khách hàng chưa đáp ứng được đầy đủ điều kiện về tính khả thi, hiệu quả của dự án khi phê duyệt cho vay; chưa đáp ứng điều kiện “có khả năng tài chính để trả nợ” theo quy định tại các loạt khách hàng họ “TH” là CTCP Thực phẩm sữa TH, Cty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế; CTCP sữa TH; CTCP Logistic SC; CTCP Dược liệu TH; CTCP ứng dụng công nghệ quốc tế. Tại CTCP sữa TH, CTCP chuỗi thực phẩm TH, BacABank cho vay trong khi khách hàng âm vốn chủ sở hữu. Cty TNHH Hùng Vương Huế thuộc đối tượng hạn chế cho vay theo quy định của ngân hàng này…
Về tài sản đảm bảo, quy định nội bộ của BacABank chưa quy định biện pháp bảo đảm tiền vay, tài sản bảo đảm chưa đăng ký giao dịch theo quy định, phê duyệt cho vay không có tài sản bảo đảm trong khi khách hàng đang kinh doanh khó khăn, thua lỗ tại CTCP chuỗi thực phẩm TH, CT TNHH công nghệ xanh quốc tế, CTCP Sữa TH, CTCP cung ứng quốc tế, CTCP ĐT phát triển cung ưng đông bắc Nghệ An.
Về phân loại nợ, trong quá trình vay vốn có một số kỳ trả nợ, khách hàng chậm trả nợ gốc lãi theo hợp đồng tín dụng, nhưng NH không chuyển nợ quá hạn theo quy định. Cơ cấu nợ khi khách hàng không có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo quy định đối với CTCP Sông Lam Nghệ An.
Trong việc giải ngân, BacABank thực hiện chứng từ sử dụng vốn vay chưa phù hợp tại CTCP chuỗi thực phẩm TH, giải ngân thanh toán tiền mua hàng nhưng hàng tồn kho không thể hiện trong BCTC tại CTCP quốc tế, giải ngân khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa được cấp phép xây dựng tại CTCP dược liệu TH.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến tháng 10/10/2021 có 5/11 khách hàng đã tất toán; 1 khách hàng bán nợ cho VAMC; 4 khách hàng còn dư nợ (CTCP Sông Lam Nghệ An, dư nợ 247 tỷ đồng, nợ nhóm 5; CTCP Dược liệu TH dư nợ nhóm 85 tỷ đồng; CTCP ĐTPT nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An dư nợ 217 tỷ đồng; CTCP thực phẩm sữa TH dư nợ 91 tỷ đồng…đều nợ nhóm 1.
Thanh tra kiến nghị khẩn trương xử lý hàng loạt vi phạm
Đối với những vi phạm đã được liệt kể ở trên, Thanh tra kiến nghị để khắc phục, BacABank khẩn trương bổ sung, hoàn thiện quy định về việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay đối với trường hợp cho vay không có TSBĐ tại quy định nội bộ của BacABank, gửi NHNN để theo dõi, giám sát theo quy định.
Thực hiện thẩm định, đánh giá lại về khả năng tài chính và nguồn tài trợ của khách hàng, đề ra biện pháp giám sát chặt chẽ trong dài hạn, yêu cầu khách hàng có phương án bổ sung nguồn trả nợ có tính khả thi để đảm bảo NH thu nợ gốc, lãi theo cam kết hợp đồng tín dụng.
Yêu cầu NH cùng khách hàng thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định, rà soát bổ sung TSBĐ là khoản thu đảm bảo có giá trị tài sản đảm bảo/dư nợ theo đúng quy định nội bộ cho vay của BacABank.
Đối với khách hàng chậm trả gốc, lãi một số kỳ trong quá trình vay nhưng đã khắc phục trả nợ đúng hạn. Yêu cầu BacABank tiếp tục theo dõi giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, nguồn trợ nợ để thực hiện thu nợ theo đúng quy định. Báo cáo NHNN kết quả thực hiện để theo dõi, giám sát.
Mối liên quan giữa bà Thái Hương với BacABank và TH True Milk
Theo tìm hiểu, Bà Thái Hương sinh ngày 12/10/1958, hiện bà Hương đang nắm giữ 2 chức vụ quan trọng là: Chủ tịch HĐQT CTCP Sữa TH True Milk; Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Ngân hàng TMCP Bắc Á.
Nữ doanh nhân Thái Hương được đánh giá là một trong những người quyền lực của lĩnh vực tài chính Việt Nam. Trong 2 năm liên tiếp là 2015 và 2016, bà Thái Hương lọt vào bảng xếp hạng Top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á theo Forbes bình chọn.
Thời điểm năm 1994, khi đang làm cán bộ công chức trong CTY vật liệu chất đốt tỉnh Nghệ An, bà Hương đã quyết định từ bỏ công việc.
Sau đó, bà Hương đã chuyển sang lĩnh vực ngân hàng. Bà cùng các đồng nghiệp của mình thành lập Ngân hàng TMCP Bắc Á với số vốn điều lệ ban đầu có giá trị lên đến 20 tỷ đồng.
Sau 21 năm được hình thành, thúc đẩy và phát triển, giờ đây ngân hàng Bắc Á Bank hiện có số vốn điều lệ có giá trị lên tới 3.000 tỷ đồng. Hiện tại, bà Hương đang nắm giữ 4,3% cổ phần tại ngân hàng này. Đây cũng là NHĐT dài hạn vào thương hiệu TH True Milk – CTY sữa do bà Hương thành lập.