Giá vàng thế giới và trong nước liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Tuy nhiên, song song với những cơ hội, thị trường vàng còn được đánh giá tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi giá đang neo ở vùng cao.
Để phân tích rõ hơn về những vấn đề này, qua đó cung cấp cho nhà đầu tư các góc nhìn khác nhau. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh.
Giá vàng trong nước và thế giới liên tục phá đỉnh trong thời gian qua. Đặc biệt, gần đây giá vàng diễn biến cùng chiều với sức mạnh đồng USD - điều ít khi xảy ra. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính?
Đà tăng giá vàng thời gian được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên, giá vàng đã có thời gian tích luỹ khá dài. Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng, các nhà đầu tư cá nhân mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn và đẩy mạnh mua vào. Trong bối cảnh bất ổn, nhu cầu các kênh trú ẩn an toàn lên ngôi. Không chỉ vàng mà kênh tiết kiệm cũng được quan tâm. Bằng chứng là lượng gửi tiết kiệm ngân hàng cũng ở mức cao dù lãi suất của các ngân hàng thấp. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Yếu tố tiếp theo tác động đến giá vàng là xu hướng giảm lãi suất từ ngân hàng trung ương các nước, và đặc biệt mới đây là từ Fed. Thực tế, một số nước đã có động thái giảm lãi suất từ cuối năm ngoái. Giá vàng cũng tăng từ cuối năm ngoái đã phản ánh trước kỳ vọng của thị trường rằng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất.
Ngoài ra theo số liệu của Hội đồng vàng Thế giới, việc các NHTW và tổ chức mua vàng nhiều năm qua cũng tạo lực đẩy cho vàng. Bên cạnh đó xu hướng đa dạng hoá đầu tư vào các kênh ở trên thế giới trong bối cảnh có quá nhiều bất ổn về địa chính trị, kinh tế. Điều này lý giải vì sao chứng khoán Mỹ, tiền số, đồng USD, vàng đều tăng - điều hiểm khi xảy ra trong lịch sử.
Tại Việt Nam, lượng tiền đổ vào kênh tiết kiệm cao kỷ lục. Giá vàng liên tục vượt đỉnh theo thị trường thế giới và xu hướng tích trữ vàng bắt đầu từ cuối năm ngoái. Việc tiền chảy vào tài sản an toàn khiến các kênh đầu tư rủi ro khác cũng khó hút được dòng tiền. Ví dụ như chứng khoán nhiều lần thất bại chinh phục mốc 1.300 hay bất động sản dù phục hồi nhưng thanh khoản vẫn còn thấp.
Chính phủ đã có chỉ đạo làm sao tận dụng được tiền gửi tiết kiệm để chảy vào nền kinh tế. Một khi nền kinh tế phục hồi rõ rệt và thu nhập người dân tăng trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn, thì xu hướng này có thể sẽ thay đổi theo chiều ngược lại.
Hiện tại, thị trường kỳ vọng nhiều vào việc giá vàng sẽ vượt 3.000 USD/troy ounce. Nhưng liệu đây cũng là một rủi ro, bởi đôi khi diễn biến của thị trường đi ngược với kỳ vọng của đám đông không, thưa ông?
Cũng có thể. Tuy nhiên, khi đánh giá chúng ta cũng cần xem xét tuỳ vào hoàn cảnh và loại tài sản. Trên thực tế, từ cuối năm ngoái đến nay, thị trường nhiều lần kỳ vọng giá vàng vượt qua những mốc quan trọng như 1.890 USD/troy ounce, 2.000 USD/troy ounce hay 2.500 USD/troy ounce. Tất cả những mốc này đều được chinh phục nhanh chóng. Vấn đề là những kỳ vọng đó dựa trên những cơ sở nào. Hiện tại thị trường vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi những yếu tố mà tôi vừa đề cập như bất ổn địa chính trị, xu hướng hạ lãi suất của các NHTW, nhu cầu đa dạng hoá danh mục….
Khi nói đến việc đa dạng hoá danh mục, vàng vẫn luôn được xem là lớp tài sản phòng thủ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người coi đây là lớp tài sản “tấn công”. Liệu tư duy đầu tư này có tiềm ẩn rủi ro?
Tư duy này khá là rủi ro và tập trung nhiều ở những nhà đầu tư cá nhân hơn là tổ chức. Tuy nhiên, chính vì tư duy này mà giá vàng được đẩy lên mức cao kỷ lục như vậy.
Các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng trung ương các nước hay các định chế tài chính đã mua vàng từ rất nhiều năm trước đó. Thời điểm đó, thị trường đi ngang hoặc giảm, khiến các nhà đầu tư cá nhân ít quan tâm, hoặc chán nản vì tài sản không sinh lời. Họ xác định mua vàng như một kênh “phòng thủ” đúng nghĩa ví dụ như nhằm gia tăng dự trữ ngoại hối, bảo vệ giá trị tiền tệ chứ không hẳn vì kiếm lời, tầm nhìn của các NHTW, tổ chức được xem là lâu dài. Đây được xem là bệ đỡ cho giá vàng và là một trong những yếu tố thúc đẩy giá vàng lên cho đến bây giờ.
Chỉ khi nào giá vàng tăng lên 2.000 USD/troy ounce, kim loại quý này mới thực sự thu hút sự chú ý của nhà đầu tư cá nhân. Họ lao vào thị trường, đẩy mạnh việc mua vào với kỳ vọng giá vàng còn tăng hơn nữa. Họ mua vì lợi nhuận ngắn hạn hay còn gọi là “tấn công”.
Nhưng khi giá vàng liên tục phá đỉnh trong thời gian ngắn, dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lại giảm bớt, thậm chí dừng hẳn như trường hợp của ngân hàng trung ương Trung Quốc, Nga. Còn những nhà đầu tư cá nhân được xem là những người “chậm chân”.
Cũng cần lưu ý rằng trong chu kỳ giá vàng khoảng 10 năm thì thì có 1 - 2 năm giá tăng mạnh, 1 - 2 năm giá sụt giảm còn lại là đi ngang, tích luỹ. Ở thời điểm hiện tại, đà tăng giá vàng đã đi được khoảng hơn một nửa chặng đường tăng và nếu từ cuối năm ngoái giá vàng hiện tăng tới 50%. Mức tăng này hiếm khi xảy ra trong lịch sử. Do đó, rủi ro ở đây là thời điểm vàng tạo đỉnh cũng đến gần hơn, sớm thì cuối năm nay hoặc chậm thì nửa đầu năm sau.
Như ông đã phân tích, các nhà đầu tư tổ chức có vẻ dừng mua vàng vì giá tăng quá cao. Giới chuyên gia thế giới cũng nhận định rằng việc ngân hàng trung ương Trung Quốc dừng mua là để chờ đợi thị trường điều chỉnh vì tỷ lệ vàng trong quy mô dự trữ ngoại hối của họ vẫn còn thấp. Liệu rằng thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh sâu, đủ sức thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức như Trung Quốc, và dần thiết lập mặt bằng giá mới?
Tôi cho rằng vàng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới nhưng mặt bằng là bao nhiêu thì cần phải đợi thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, giá chưa chắc xuống mức mà Trung Quốc đã “gom hàng” trước đó là dưới 2.000 USD/troy ounce. Điều này là vô cùng khó. Vàng không giống như chứng khoán hay các loại tài sản khác là có thể giảm quá 50% bởi tính chất hữu hạn của nó cũng như nhu cầu từ các tổ chức lớn luôn luôn có sẵn mỗi khi giá giảm. Và nếu điều này thực sự xảy ra thì không chỉ Trung Quốc, mà rất nhiều nhà đầu tư bao gồm cả tổ chức lẫn cá nhân đều đổ xô vào vàng, tạo lực đỡ lớn cho kim loại quý này.
Vậy theo ông, đâu là yếu tố thuận lợi và rủi ro đối với thị trường vàng trong năm 2025?
Có 4 yếu tố hỗ trợ đà tăng giá và 4 yếu tố đối xứng là lực cản đối kim loại quý này trong thời gian tới.
Đầu tiên là căng thẳng địa chính trị. Nếu tình hình vẫn tiếp tục leo thang, giá vàng sẽ còn tăng. Ngược lại, nếu xung đột giữa các nước được giải quyết, nhu cầu tài sản an toàn giảm đi, gây áp lực lên thị trường vàng.
Yếu tố thứ hai, nếu các nhà đầu tư tổ chức quay lại thị trường thì giá vàng sẽ tiếp nối đà tăng. Nếu không, đây sẽ tiếp tục là lực cản.
Yếu tố thứ ba là xu hướng giảm lãi suất. Đây là kỳ vọng của các nhà đầu tư từ cuối năm ngoái và điều đó đã diễn ra. Thậm chí, điều bất ngờ là khi Fed giảm lãi suất đồng USD không những không giảm mà còn tăng vọt. Việc USD và vàng biến động cùng chiều là điều hiếm hoi trong lịch sử. Vậy nếu đồng USD tiếp tục tăng thì liệu rằng giá vàng có thể tiếp tục tăng không? Do đó, nếu đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh của mình trong thời gian tới, giá vàng sẽ chịu sức ép. Nhưng ngược lại, nếu đồng USD yếu thì vàng sẽ được hỗ trợ vì USD vẫn đang là đồng tiền định giá chính cho các tài sản.
Yếu tố cuối cùng là nếu xu hướng đa dạng hoá danh mục trên thế giới duy trì ở mức độ hiện tại thì giá vàng sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu dòng tiền trong thời gian tới chảy nhiều hơn vào các kênh đầu tư rủi ro hơn hoặc sự đa dạng các kênh đầu tư bị phân hóa thì giá vàng có thể bị điều chỉnh.
Vậy theo ông, tỷ trọng vàng trong danh mục thời gian tới như nào là hợp lý?
Tỷ trọng vàng bao nhiêu trong danh mục tuỳ thuộc vào việc nhà đầu tư muốn nắm giữ trong ngắn hạn hay dài hạn.
Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, hiện tại mức độ rủi ro rất cao. Như đã phân tích,với mức tăng lớn hơn mức này của thị trường vàng thời gian qua là điều vô cùng hiếm hoi. Nên khi nhà đầu tư mua ở vùng giá hiện tại dù chưa phải vùng đỉnh nhưng hiện đã ở mức rất cao. Trong khi đó, lực mua từ những “tay to” là nhà đầu tư tổ chức đã giảm đáng kể.
Do vậy, với những người đầu tư vàng ngắn hạn không nên dùng đòn bẩy, chỉ nên “lướt sóng” nhanh và tỷ trọng danh mục chỉ ở mức 10 - 20%. Lợi nhuận kỳ vọng khoảng quanh mức 10%.
10% lợi nhuận nghe có vẻ ít nhưng thực ra rất khó đạt được ở thời điểm hiện tại, nhất là tại thị trường Việt Nam. Bởi, nhà đầu tư phải chịu những rủi ro khác như biến động tỷ giá, và đặc biệt là chênh lệch mua - bán. Nói cách khác, để đạt được lợi nhuận 10% thì giá vàng mà các cửa hàng mua vào tăng tương ứng 15% so với thời điểm mà nhà đầu tư mua. Khi đó, giá vàng thế giới cũng phải tương ứng khoảng trên 3.000 USD/troy ounce. Con số này vô cùng khó để đạt được.
Còn đối với những nhà đầu tư muốn nắm giữ dài hạn, tỷ trọng không nên chiếm quá 50% danh mục vì hiện nay vàng đã đi được hơn một nửa chu kỳ tăng và khi đó những kênh đầu tư khác chưa tăng nhiều hoặc còn ở mức thấp sẽ có tiềm năng hơn.
Qua trao đổi có thể thấy, với những nhà đầu tổ chức, tỷ lệ chiến thắng trên thị trường vàng cao hơn và an toàn hơn với đầu tư cá nhân. Vậy bài học kinh nghiệm mà nhà đầu tư cá nhân có thể rút ra từ các nhà đầu tư tổ chức là gì, thưa ông?
Thật ra, phương pháp đầu tư vàng hay bất kỳ loại tài sản nào của các nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng khá đơn giản. Huyền thoại đầu tư Warren Buffet là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, khi có người hỏi Warren Buffet rằng tại sao phương pháp đầu tư của ông nghe có vẻ dễ nhưng không phải ai cũng làm được?
Câu trả lời của ông là bởi vì “ít ai muốn làm giàu chậm cả”, nghĩa là thành công của ông nằm ở hai chữ “kiên nhẫn” và hướng đến mục tiêu làm “giàu bền vững” chứ không phải “làm giàu nhanh”. Nhiều nhà đầu tư thành công nhờ kiên nhẫn tích sản và không ít người thất bại vì tư duy muốn giàu nhanh.
Ngoài yếu tố kiên nhẫn, nhà đầu tư cũng cần biết cách phân tích dòng tiền thị trường để có thể xác định các kênh đầu tư tiềm năng.