Năm 2023 kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát. Việc quản lý chặt chẽ dòng tiền vào bất động sản trong khi lãi suất huy động tăng cao, cùng các khó khăn về pháp lý chưa được giải quyết triệt để đã dẫn đến nghịch lý nguồn cung mới trên thị trường bất động sản khan hiếm nhưng tính thanh khoản vẫn thấp.
Ngân hàng thì tiếp tục duy trì lãi suất cao và tăng lãi suất nên doanh nghiệp BĐS còn chịu nhiều khó khăn. Việc tăng lãi suất cũng làm giá bán BĐS tăng, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay thị trường BĐS giảm tính thanh khoản và trầm lắng kéo dài.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách pháp luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản đang trong quá trình sửa đổi. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thiếu vốn không phải là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay. Thay vào đó, pháp lý mới là điểm nghẽn lớn nhất khi chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Các thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đối với dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3 - 5 năm)…
Ngoài những khó khăn về tín dụng, chênh lệch cung - cầu trên thị trường BĐS đang là vấn đề của thị trường BĐS. Theo số liệu mới đây từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong hai tháng đầu năm 2023, số lượng DN kinh doanh BĐS thành lập mới là 550, giảm 62,4% so với cùng kỳ; số lượng DN quay trở lại hoạt động là 608, bằng 81,2% so với cùng kỳ; số lượng DN giải thể là 235, tăng gần 20%.
“Thị trường Bất động sản đang thiếu cung, cơ cấu sản phẩm lại không cân đối, dự án nhà chung cư rất ít, nhà thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội gần như không có trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn, điều đó khiến giá bất động sản tăng. Các dự án nhà ở xã hội cần được tháo gỡ về mặt thủ tục, tăng nguồn cung để giảm giá nhà” - ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản nói.
Bên cạnh nguồn cung căn hộ giá rẻ, nguồn cung ở các phân khúc nhất là căn hộ chung cư suy giảm đáng kể trong những năm qua do những vướng mắc pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện thị trường bất động sản có rất nhiều dự án đầu tư chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường khi dư thừa nhà ở thương mại cao cấp, ít nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân.
“Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ, ngành nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương rà soát dự án đang triển khai đủ điều kiện pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý thì làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án vướng các thủ tục pháp lý, khi được tháo gỡ khó khăn, sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường” - ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.
Từ giữa đến cuối Quý I/2023, thị trường được tiếp thêm niềm tin từ các giải pháp gỡ rối của Chính Phủ. Đặc biệt, sau hàng loạt các giải pháp như Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP, thông tin sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng đang góp phần đẩy nhanh tiến trình đảo chiều của thị trường.
Lạc quan đánh giá về thị trường bất động sản, chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Kênh đầu tư này đang trầm lắng nhưng không "đóng băng", đã có tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước. Bởi vậy, chỉ đầu năm 2023 thị trường còn khó khăn nhưng đến nửa năm sau thị trường sẽ bắt đầu phục hồi”.
“Hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn”- ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết thêm.
Cũng theo ông Hà, thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới các thị trường khác như thị trường tài chính, làm gia tăng nợ xấu. Các lĩnh vực sản xuất khác cũng sẽ bị đình trệ. Đặc biệt, ngành vật liệu xây dựng sẽ gặp khó về tiêu thụ nếu thị trường bất động sản không phát triển được các dự án mới, từ đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm cho lực lượng lao động ngành xây dựng.
Chính vì vậy, Chính phủ sẽ cần khơi thông những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản bằng việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản trong thủ tục đầu tư, phát triển dự án để gia tăng nguồn cung mới cho thị trường. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để huy động được nguồn vốn trong dân, vốn từ trái phiếu, các quỹ đầu tư quay trở lại với thị trường bất động sản.
Một điểm sáng kỳ vọng khác trong năm 2023 là thị trường du lịch, giữ mục tiêu 102 triệu khách nội địa như năm 2022 và 8 triệu khách quốc tế. Tăng trưởng của lĩnh vực du lịch liên quan chặt chẽ đến đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.