Tại sao Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hàng trăm tỷ đồng ra thị trường từ đầu tháng 10?

Theo dữ liệu thống kê giao dịch trên thị trường mở của NHNN cho thấy từ đầu tháng 10 đến nay, cơ quan quản lý đã liên tục sử dụng công cụ thu mua tín phiếu từ các ngân hàng thương mại để bơm hàng trăm nghìn tỷ đồng ra hỗ trợ thanh khoản các nhà băng này.

Cụ thể, trong 9 phiên giao dịch từ đầu tháng 10, nhà điều hành đã thực hiện mua vào tín phiếu trong cả 9 phiên và không thực hiện bất kỳ giao dịch bán nào.

Tính riêng tuần này (từ 10/10), nhà điều hành đã mua vào hơn 85.000 tỷ đồng tín phiếu, qua đó bơm ra lượng tiền Đồng tương ứng. Còn nếu tính từ đầu tháng, doanh số giao dịch mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lên tới gần 127.000 tỷ đồng .

Trong phiên gần nhất, NHNN đã mua vào 636,71 tỷ đồng tín phiếu cho 2 ngân hàng thương mại với kỳ hạn 7 ngày và mua vào gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với 16/16 thành viên.

Tuy nhiên, trong những phiên liền trước, NHNN thường xuyên sử dụng tín phiếu kỳ hạn 14 và 28 ngày để bơm hàng chục nghìn tỷ đồng ra thị trường.

Riêng tuần này, lượng tín phiếu 7 ngày do NHNN phát hành chỉ là 636,71 tỷ đồng, trong khi các kỳ hạn dài hơn có giá trị lớn hơn rất nhiều, bao gồm gần 36.000 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày và gần 49.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày.

Bên cạnh đó, việc giá trị tín phiếu NHNN mua vào trong tuần này đã tăng hơn gấp đôi so với tuần trước cho thấy nhà điều hành đã can thiệp mạnh tay hơn vào thanh khoản hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh chỉ tiêu này đang ghi nhận căng thẳng cục bộ, phản ánh ở lãi suất liên ngân hàng tăng cao.

Cũng theo số liệu của NHNN, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng có xu hướng giảm nhưng còn ở mức cao.

Lãi suất qua đêm giảm từ đỉnh 8,44%/năm ghi nhận hôm 5/10 xuống 6,61%/năm hôm 7/10, trước khi lên mức 7,02%/năm trong phiên 11/10.

Trong khi đó, các kỳ hạn dài 3 tháng và 6 tháng hiện có lãi suất lên tới 8,05%/năm và 9,72% năm. Đáng chú ý, đây chỉ là mức lãi suất bình quân các giao dịch mà NHNN thống kê, nên trên thực tế, sẽ có những khoản vay được các ngân hàng thực hiện với lãi suất cao hơn.

Dù đã giảm so với mức cao kỷ lục tuần trước, lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn ở mức rất cao nếu so với vùng trên dưới 1%/năm hồi tháng 7 và trên dưới 4%/năm trong tháng 8.

Biến động lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng từ cuối tháng 8 tới 11/10. (Biểu đồ: M. Hà)

Việc lãi suất liên ngân hàng với đặc thù là kỳ hạn rất ngắn (qua đêm, 1 tuần, 2 tuần) nhưng có lãi suất tương đương với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng trên thị trường 1 (ngân hàng với cư dân) cho thấy tình trạng căng thẳng thanh khoản diễn ra tại hầu hết nhà băng.

Trước đó, NHNN đã nâng lãi suất điều hành từ ngày 23/9 thêm khoảng 100 điểm cơ bản, với lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và tái cấp vốn từ 4% lên 5%/năm.

Gần đây lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tăng nhanh, phần lớn lên trên ngưỡng 7%/năm và tại một số tổ chức tín dụng đã lên ngưỡng 8-9%/năm cho các kỳ hạn dài hoặc/và chứng chỉ tiền gửi.

Lạm phát Việt Nam thấp so với thế giới, ở mức 2,89% trong tháng 9 so với cùng kỳ, so với mức 9,1% của eurozone hay 8,3% tại Mỹ (tháng 8). Trong ngày 13/10, Mỹ sẽ công bố lạm phát tháng 9 với dự báo ở mức 8,1% (so với cùng kỳ). Thế giới vẫn đang vật lộn với tình trạng giá cả leo thang.

Ngân hàng SCB tăng lãi suất lên 8,9%, ổn định sau động thái của NHNN

Trong phiên giao dịch ngày 8/10,Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng đối với chứng chỉ tiền gửi và cũng áp dụng mức lãi suất 8,9% cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.

Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh lên mức 7,8-7,95%/năm. Kỳ hạn 9-12 tháng lên ngưỡng 8-8,55%/năm. Đây là mức lãi suất khá hấp dẫn so với mặt bằng thị trường hiện nay. 

Bên cạnh việc nâng lãi suất, Ngân hàng SCB vẫn chi trả cho khách hàng có nhu cầu bình thường.

Trước đó, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị người dân không nên rút tiền và để nguyên hưởng lợi lãi suất sau khi có những tin đồn không đúng lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó, an toàn tiền gửi tại ngân hàng luôn được pháp luật đẩy lên mức độ cao nhất.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã khẳng định đảm hoạt động liên tục và ổn định cho Ngân hàng SCB cũng như hệ thống ngân hàng nói chung.

Ngân hàng SCB cũng cam kết có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật. SCB cũng khẳng định quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. 

Theo KTMT