Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với mức lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của IPPG đạt 3,62%, tăng từ mức 2,97% của năm trước.
Tại ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của IPPG đạt hơn 3.950 tỷ đồng, tăng 333 tỷ đồng so với đầu năm.
Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 0,18 lần, tương ứng số nợ phải trả ở mức 710 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh nghiệp này đã không còn nợ trái phiếu. Như vậy, tổng tài sản của công ty đạt 4.660 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2023 của IPPG cho thấy, trong kỳ, công ty đã 3 lần mua lại trái phiếu trước hạn của trái phiếu mã IPP_BOND_2016 với tổng trị giá 103 tỷ đồng. Do đó, tại thời điểm cuối năm 2023, dư nợ trái phiếu của công ty đã giảm về 0 đồng.
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trụ sở chính tại tầng 3 tòa nhà Opera View 161 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là bà Lê Hồng Thủy Tiên - vợ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV công ty.
Đáng chú ý là ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện chỉ nắm giữ vỏn vẹn 1% vốn điều lệ của IPPG. Phần còn lại thuộc về bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - nắm giữ 59% cùng 2 con trai Nguyễn Quốc Khánh (Louis Nguyễn) và Nguyễn Phi Long (Philip Nguyễn) mỗi người nắm giữ 20%.
Bên dưới IPPG là hàng chục công ty thành viên trong đó những công ty nổi bật có thể kể đến như Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm châu Âu (ACFC), Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam (VFBS), Công ty Dịch vụ Phân phối Đông Dương (DFS), Trung tâm thương mại Tràng Tiền...
DAFC là đầu mối kinh doanh một loạt thương hiệu cao cấp như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace... còn ACFC là nhà phân phối những thương hiệu tầm trung-cao cấp như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike...
Vài năm gần đây, IPP đầu tư khá mạnh vào lĩnh vực hàng không, dịch vụ sân bay. IPP cùng DAFC và ACFC hiện còn nắm giữ hơn 45% cổ phần của SASCO - công ty dịch vụ hàng không lớn nhất nước.
Sasco có nguồn thu chủ yếu từ kinh doanh phòng khách thương gia, kinh doanh hàng miễn thuế cũng như kinh doanh thương mại tại sân bay Tân Sơn Nhất cùng một số sân bay ở khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, IPPG còn là cổ đông lớn nhất nắm giữ 30% cổ phần của Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh.