Dòng tiền đổ vào ngân hàng cao kỷ lục, lãi suất dứt đà tăng lên

Đà tăng của lãi suất huy động tại các ngân hàng có dấu hiệu chững lại. Lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ phân hóa và khó tăng mạnh vào cuối năm.

Đà tăng lãi suất huy động chững lại

Sau khi chạm đáy vào đầu năm nay, mặt bằng lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh tăng từ tháng 4 đến nay.

Cụ thể, tháng 4 ghi nhận 15 ngân hàng tăng lãi suất. Từ đó, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh tăng.

Tháng 5, con số này tăng vọt lên 20 nhà băng. Trong đó, hai ngân hàng VIB và ABBank trải qua 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi chỉ trong một tháng, cùng 8 nhà băng khác có tới 2 lần tăng lãi suất.

Xu hướng này diễn ra mạnh mẽ nhất trong tháng 6 khi có tới 23 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, trong đó có 12 ngân hàng 2 lần tăng lãi suất.

Tuy nhiên, sau đó, đà tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu chững lại.

Tháng 7, lãi suất huy động tăng tại 19 ngân hàng thương mại. Đáng chú ý, có ngân hàng tăng lãi suất tới 3 lần như VietBank.

Sang tháng 8, chỉ có 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần.

Tháng 9 là tháng có ít ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhất trong 5 tháng trở lại đây. Điều này cho thấy đà tăng lãi suất tiết kiệm đang có dấu hiệu chững lại.

Trong tháng 9, chỉ còn 12 ngân hàng tăng lãi suất, gồm: DongA Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, BacA Bank, NCB, OCB, BVBank, ACB, PGBank và Nam A Bank. Trong đó, chỉ có 2 nhà băng có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất là OceanBank và Dong A Bank. Các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi trong tháng 9 với mức tăng nhẹ từ 0,1 - 0,5 điểm phần trăm.

 

Tính từ tháng 10 đến nay, có 3 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động là LPBank, Bac A Bank và Eximbank. Ở chiều ngược lại, Techcombank là ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất huy động trong tháng này.

Xu hướng tăng lãi suất huy động chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân. Còn nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động ở mức thấp lịch sử.

Tới cuối tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng cổ phần đã tăng 0,13 điểm phần trăm so với đầu năm, đạt mức 5%/năm, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh duy trì ổn định quanh 4,7%/năm, thấp hơn 0,26 điểm phần trăm so với đầu năm.

Hiện lãi suất huy động cao nhất được áp dụng mới dừng lại ở mức 6,1%/năm, được niêm yết tại 5 ngân hàng: NCB và OceanBank (kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng), HDBank (kỳ hạn 18 tháng), Saigonbank và SHB (kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng).

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động có xu hướng giảm nhiệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại sau giai đoạn bứt phá mạnh vào cuối quý II.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/9 mới đạt 7,38%, sau khi tăng tốc đạt mức 6% vào cuối tháng 6. Kết quả này còn cách xa mục tiêu 15% của cả năm.

Cùng với đó, áp lực lạm phát và động thái hỗ trợ thanh khoản cho thị trường cũng khiến đà tăng của lãi suất huy động chững lại.

Trong báo cáo tiền tệ tháng 9, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng đà tăng của lãi suất huy động đang có dấu hiệu chững lại khi lãi suất liên ngân hàng giảm nhiệt và thanh khoản thị trường duy trì ở mức dồi dào.

Theo giới phân tích, diễn biến mới của lãi suất huy động phù hợp với tình hình chung của thị trường trong bối cảnh các ngân hàng đồng loạt cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua.

Việc giảm hay ít nhất là không tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Lãi suất tiết kiệm khó tăng cao vào cuối năm

Lượng tiền gửi vào ngân hàng liên tục tăng mạnh khi lãi suất tiết kiệm đi lên.

Theo thống kê của NHNN, tính đến tháng 7/2024, tiền gửi dân cư đạt 6,838 triệu tỷ đồng. Tính từ đầu năm, số dư tiền gửi dân cư đã tăng 305.672 tỷ đồng, tương ứng với 4,68% so với thời điểm cuối năm 2023.

Mặt bằng lãi suất tiền gửi được dự báo tiếp tục tăng vào cuối năm khi cầu vốn cải thiện trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc.

Song theo giới chuyên gia, lãi suất huy động khó tăng cao khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bước vào lộ trình hạ lãi suất.

 

Sau hơn một năm duy trì lãi suất tham chiếu ở mức 5,25-5,5%/năm, Fed quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%/năm tại cuộc họp diễn ra vào ngày 17-18/9 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất kể từ năm 2020. Việc Fed hạ lãi suất sẽ giúp Việt Nam có thêm không gian để nới lỏng chính sách tiền tệ.

TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận việc Fed giảm lãi suất USD sẽ góp phần giúp cho Việt Nam ổn định được mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết, động thái nới lỏng của Fed đã giúp lãi suất huy động tăng chậm lại. Thậm chí, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,3%/năm.

Ông Huân cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động tăng gần đây là do trước đó đã giảm mạnh nên các ngân hàng phải tăng để “giữ chân” dòng tiền nhàn rỗi khi các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu hồi phục. Hơn nữa, nhu cầu vốn được dự báo cải thiện trong các tháng còn lại của năm nên ngân hàng tăng huy động để chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu tín dụng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đánh giá, việc tăng lãi suất là một giải pháp để thu hút dòng tiền mới, đảm bảo thanh khoản nhưng đồng thời cũng làm tăng chi phí vay vốn. Ngân hàng cũng phải cân bằng với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng, cuối năm luôn được xem là "mùa" cho vay của các ngân hàng. Vì thế, để đáp ứng được nhu cầu vốn, các ngân hàng có thể phải tăng lãi suất để hút tiền gửi. Nhưng việc tăng mạnh lãi suất huy động tại các ngân hàng sẽ khó diễn ra.

Mới đây, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn sẽ tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm, dao động từ 5,1-5,2% vào cuối năm nay. Trước đó, trong báo cáo tháng 8, MBS từng dự báo lãi suất huy động sẽ nhích thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm, đạt mức 5,2%-5,5%/năm.

Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết xu hướng tăng lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ khó kéo dài và có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Lãi suất huy động tại các ngân hàng quốc doanh dự kiến sẽ đi ngang hoặc có thể giảm nhẹ vào cuối năm nay, còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn có áp lực tăng nhẹ lãi suất nhằm củng cố nguồn vốn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.