Thanh khoản dồi dào nhưng…
Còn nhớ thời điểm sự cố SCB xảy ra vào năm ngoái, trong một cuộc trao đổi với Đầu tư Tài chính, lãnh đạo các ngân hàng tiết lộ họ như ngồi trên lửa bởi người dân đáo hạn các khoản gửi tiết kiệm khá nhiều và đột ngột. Trong khi đó, việc vay trên thị trường liên ngân hàng không dễ dàng, dù chấp nhận lãi suất cao, vì chính các “ông lớn” cũng “găm” tiền bảo vệ thanh khoản. Các lãnh đạo ngân hàng này đã phải “bạc mặt” xoay xở, đàm phán các nguồn vay dự phòng ở nước ngoài hay gấp rút thu hồi nợ và hạn chế cho vay mới.
Nỗi lo thanh khoản còn dai dẳng cho đến những tháng đầu năm 2023 và vấn đề này được người đứng đầu hệ thống ngân hàng đặt ra khi nhận diện một loạt bài toán khó giải của năm: “Làm thế nào ổn định được an toàn hệ thống khi thanh khoản hệ thống và niềm tin của thị trường chịu tác động mạnh bởi sự cố SCB chưa từng có tiền lệ”. Tuy nhiên, nỗi lo này đã từng bước được hoá giải thời gian qua khi thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở khá trầm lắng.
Số liệu của tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6 cho thấy, Ngân hàng Nhà nước chỉ phát hành mới tổng cộng 715 tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn, trong đó 11 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày và 705 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày ở lãi suất 4,5% nhằm tài trợ cho khoản đáo hạn trên kênh này. Trong tuần, khối lượng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày đáo hạn đạt 24,8 nghìn tỷ đồng và nhờ vậy, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 25 nghìn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm xuống còn 16,9 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn hết trong tuần này. Đối với kênh cầm cố, khối lượng đang lưu hành hầu như đi ngang ở 1,4 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo cao cấp BIDV tiết lộ: “Thanh khoản dồi dào giúp mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dao động trong biên độ hẹp với 3,8% - 4,0% cho kỳ hạn qua đêm và 4,3% - 4,7% ổn định ở các kỳ hạn dưới 1 tháng”. Trong cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cũng thừa nhận, thời gian trước đây nguồn vốn là bài toán rất khó nhưng năm nay rất dễ.
Đáng chú ý, vị lãnh đạo BIDV cho biết, trong tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm mạnh khoảng 0,5% - 1,0%/năm. Nhịp giảm ghi nhận ở hầu hết kỳ hạn tại toàn bộ ngân hàng thương mại trên thị trường, đặc biệt sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 5. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất niêm yết kỳ hạn 12 tháng dao động phổ biến quanh mức 6,8%/năm ở các ngân hàng thương mại nhà nước, trong khi nhóm ngân hàng thương mại tư nhân phân hóa trong biên độ rộng hơn, từ 7,2% - 8,5%/năm.
Tuy nhiên, trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Được biết, con số 3,17% thấp hơn nhiều so với mức 8,12% cùng kỳ năm ngoái và chỉ cao hơn chưa tới 1% so với tăng trưởng huy động vốn.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng niêm yết cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng khá chậm so với quý 1/2022. Ví dụ như: VCB là 2,45% so với 6,98%; CTG là 4,53% so với 9,09%; MBB là 3,68% so với 14,53%; STB là 2,24% so với 12,46% và TPB là 5,81% so với 11,05%... Không ít ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm như: ABB âm 8,17% so với âm 6,42%; VBB âm 7,86% so với âm 0,15%; VIB âm 1,34% so với 6,17%; ACB âm 0,58% so với 4,99%...
Thiếu đơn hàng, nhu cầu vay vốn mới giảm sút
Sức hấp thụ vốn yếu của nền kinh tế được Phó thống đốc Phạm Thanh Hà lý giải bằng 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn do đầu ra tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, cụ thể là do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với nhóm này cũng giảm sút.
Ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Âu, cho biết trước đây, doanh nghiệp xuất 2 - 3 chuyến hàng, khoảng 20 - 30 tấn một ngày, nhưng thời gian qua chỉ còn một chuyến. Đặc biệt trong tháng 4/2023, cả tháng mới có 3 - 4 chuyến hàng và giảm mạnh nhất tại thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, khoảng 50 - 70% so với cùng kỳ. “Nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, hay nói cách khác, nhu cầu của nền kinh tế giảm, tức một phần lý do ở trong nước. Nhưng kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu mà xuất khẩu giảm sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, ông Phan Thanh Tịnh nói.
Cũng trong diễn biến có liên quan, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm xuống 45,3 điểm trong tháng 5 so với 46,7 điểm trong tháng 4, báo hiệu lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, mức giảm lần này của sức khỏe ngành sản xuất là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2021. Trong đó, có 3 điểm nhấn nổi bật là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn; chi phí đầu vào giảm lần đầu tiên trong ba năm; việc làm và hoạt động mua hàng giảm.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp. Báo cáo cho biết có 82,3% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%...
Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhận định, nền kinh tế đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu, tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. Việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn.