Hoà Phát: Lãi 9.200 tỷ đồng, hưởng lợi lớn khi giá thép tăng

Doanh thu của HPG đã hoàn thành 75% kế hoạch cả năm, trong khi lợi nhuận tiến sát hơn tới mục tiêu vạch ra, hoàn thành 92%.

Lợi nhuận tiệm cận mục tiêu cả năm

Báo cáo về kết quả kinh doanh quý III/2024, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) ghi nhận hơn 34.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước (28.766 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng trưởng 51%.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của HPG đạt hơn 105.000 tỷ đồng, tương đương hơn 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước (85.431 tỷ đồng), hoàn thành 75% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% và hoàn thành 92% kế hoạch cả năm.

tap-doan-hoa-phat-1728917892.jpeg
 

Có thể thấy, doanh thu của HPG đang đi khá đúng lộ trình đã vạch ra cho năm 2024, trong khi lợi nhuận đã tiệm cận mục tiêu cả năm và nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch đề ra khi kết thúc quý IV.

Năm 2024, HPG lên kế hoạch doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng. Các mục tiêu này đều tăng trưởng so với mức thực hiện của năm 2023, trong đó doanh thu mục tiêu đã gần tương đương với mức doanh thu đỉnh của HPG từng ghi nhận trong năm 2021 (hơn 149.000 tỷ đồng), tuy nhiên lợi nhuận vẫn còn cách khá xa mức đỉnh ghi nhận cùng năm (hơn 34.500 tỷ đồng).

Theo HPG, việc gia tăng doanh thu và biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện như thép, nông nghiệp đã giúp lợi nhuận của doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng dương. Cụ thể, nhóm thép đạt lợi nhuận tăng 42%, nhóm nông nghiệp tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định ở mức 39%.

Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao trong quý III đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 14% so với quý trước (1,27 triệu tấn). Thị phần thép xây dựng trong nước đạt 38%. Thép cuộn cán nóng đạt 738.000 tấn, tương đương mức thực hiện quý II.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, HPG đã sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%.

Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn. Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, ống thép đạt 503.000 tấn tăng 3% so với 9 tháng năm 2023. Tôn Hòa Phát đạt sản lượng 344.000 tấn tăng 43% so với cùng kỳ, vượt số cả năm 2023 (329.000 tấn).

Trước đó, HPG cho biết thị trường thép quý III nhìn chung còn nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, giá bán có xu hướng giảm dẫn tới sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép của doanh nghiệp có phần sụt giảm so với cùng kỳ.

HPG hiện đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, quy mô 5.6 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm. Hiện, đại dự án này đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Theo tiến độ này, phân kỳ 1 dự kiến có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm 2024.

Giá thép phục hồi, Hòa Phát sẽ hưởng lợi

Theo báo cáo mới nhất về ngành thép của Công ty Chứng khoán MB (MBS), các chuyên gia của công ty này dự báo rằng giá thép xây dựng và HRC Việt Nam sẽ sẽ có mức hồi phục tích cực kể từ quý IV/2024 khi áp lực từ Trung Quốc được giảm bớt.

MBS ước tính giá thép xây dựng có thể đạt trung bình 571 USD/tấn (tăng 4% so với cùng kỳ) và HRC giảm 7% xuống 556 USD/tấn do áp lực từ thép Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024.

“Khác với Trung Quốc, tiềm năng của thép Việt Nam đến từ triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của nguồn cung nhà ở và đầu tư công đã thúc đẩy sự phục hồi của thép xây dựng. Theo CBRE, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP. HCM sẽ tăng lần lượt 30% và 20% so với cùng kỳ. Hơn nữa, kế hoạch giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trưởng 12% với giá trị khoảng 638.000 tỷ đồng khi Chính phủ tập trung đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế”, MBS nhận định.

Năm 2025, MBS kỳ vọng thép xây dựng và HRC có thể tăng lần lượt 7% và 6% so với năm 2024, đạt mức 611 USD và 590 USD/tấn. Giai đoạn 2025-2026, giá thép xây dựng có thể tăng 7% và 8%, đạt mức 608 USD và 657 USD/tấn.

Với dự báo giá thép nội địa phục hồi, MBS cho rằng các doanh nghiệp đầu ngành thép như HPG sẽ được hưởng lợi, lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2024-2025 của doanh nghiệp có thể tăng 74% và 51% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng và biên lợi nhuận gộp cải thiện. Năm 2026, với sự đóng góp của 3 triệu tấn HRC từ nhà máy Dung Quất 2, lợi nhuận ròng của HPG có thể đạt 23,576 tỷ đồng (tăng 31%).

Bên cạnh đó, MBS dự báo rằng HPG có thể giành lại thị phần nhờ thuế chống bán phá giá cho HRC, thu hẹp mức chênh lệch của thép Trung Quốc và Việt Nam. Hơn nữa, đóng góp sản lượng Dung Quất 2, giúp sản lượng tăng 70% so với hiện nay.

Link nội dung: https://taichinhplus.com.vn/hoa-phat-lai-9200-ty-dong-huong-loi-lon-khi-gia-thep-tang-a9952.html